Bọc răng sứ là lựa chọn của nhiều người để phục hình răng thẩm mỹ cho những tình trạng như vỡ mẻ răng, xỉn màu răng,… Vậy phương pháp bọc răng sứ được bao lâu, có bền không, khi nào cần phải làm lại?
1. Bọc răng sứ có lợi ích gì?
Bọc răng sứ là kỹ thuật được các bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân gặp các khiếm khuyết răng như vỡ mẻ răng, hở kẽ răng, răng thưa, răng mọc lệch lạc, răng nhiễm màu kháng sinh,… Phương pháp này có nhiều lợi ích nổi bật như:
- Khắc phục những khuyết điểm của răng như hô, móm, khấp khểnh, xỉn màu, thưa nhẹ,… mang lại nụ cười hoàn hảo hơn;
- Độ bền và độ chịu lực tốt, đảm bảo chức năng ăn nhai sau này;
- Bảo vệ răng thật tối đa trong các trường hợp răng sâu, răng vỡ mẻ, răng đã chữa tủy;
- Có nhiều loại răng sứ với nhiều tone màu tự nhiên;
- Chi phí hợp lý, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng người dùng.
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng bọc răng sứ cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Nếu mài răng không đúng tỷ lệ, chạm vào buồng tủy thì có thể khiến răng bị ê buốt, đau nhức kéo dài, thậm chí hỏng cả răng thật. Bên cạnh đó, chất lượng mão sứ kém cũng làm giảm kết quả bọc răng sứ. Nhiều trường hợp cầu răng sứ quá cứng hoặc không đảm bảo chất lượng khiến răng đối diện bị mòn. Bên cạnh đó, răng sứ kém chất lượng cũng có thể gây kích ứng nướu răng.
Do vậy, bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, cung cấp mão răng sứ tốt, xuất xứ rõ ràng để thực hiện thủ thuật này.
2. Bọc răng sứ được bao lâu thì phải thay thế?
Răng bọc sứ tồn tại được bao lâu? Tuổi thọ của răng sứ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhìn chung, độ bền của răng sứ không thể được vĩnh viễn. Nếu bạn biết cách vệ sinh, chăm sóc sức khỏe răng miệng thì răng sứ sẽ có tuổi thọ khá cao. Theo các số liệu báo cáo, tuổi thọ của răng sứ có thể lên tới 20 năm.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp gặp biến chứng ngay sau khi bọc răng sứ. Do đó, với câu hỏi bọc răng sứ thì được bao lâu sẽ không có đáp án cụ thể. Mỗi người bệnh sẽ có thời gian sử dụng răng sứ khác nhau.
3. Các loại răng sứ bền nhất hiện nay
Với câu hỏi bọc răng sứ bao lâu thì phải làm lại, nếu muốn kéo dài thời gian sử dụng của răng sứ, bạn cần chọn loại mão sứ tốt.
3.1 Răng sứ kim loại
Loại răng sứ này thường có phần khung sườn làm từ hợp kim Ni – Cr hoặc Co – Cr, bên ngoài phủ 1 lớp sứ trắng. Đây là loại răng sứ ra đời sớm nhất, có chi phí rẻ. Các loại răng sứ kim loại phổ biến gồm răng sứ kim loại thường, răng sứ kim loại quý và răng sứ Titan,…
Tuy nhiên, vì phần sườn răng cấu tạo từ kim loại nên sau một thời gian sử dụng, dưới tác động của acid trong miệng sẽ dẫn tới tình trạng oxy hóa trên răng, gây hiện tượng đổi màu răng, làm đen cổ răng. Đồng thời, khi có ánh sáng chiếu vào cũng thấy rõ ánh đen kim loại bên trong. Tuổi thọ của loại răng sứ này khoảng 5 – 7 năm.
3.2 Răng sứ không kim loại
Răng sứ không kim loại là loại răng toàn sứ. Cấu tạo khung sườn bên trong và lớp men bên ngoài của răng là 100% sứ nguyên chất, không chứa hợp kim. Răng sứ không kim loại đảm bảo không gây kích ứng, duy trì hình dáng và màu sắc tự nhiên như răng thật. Các loại răng sứ không kim loại phổ biến là răng sứ Cercon HT, răng sứ Zirconia, răng sứ Zolid, răng sứ Nacera,…
Thông thường, răng toàn sứ có khả năng chịu lực từ 800 – 1600 Mpa. Nếu chăm sóc răng miệng đúng cách, tuổi thọ của răng có thể lên tới 20 năm. Như vậy, loại răng này có nhiều ưu điểm vượt trội so với răng sứ kim loại, đặc biệt là về độ bền.
4. Biện pháp kéo dài tuổi thọ răng bọc sứ
Bọc răng sứ được bao lâu chủ yếu nằm ở những biện pháp kéo dài tuổi thọ của răng sứ gồm:
4.1 Chọn chất liệu sứ tốt
Chất liệu sứ bạn chọn quyết định tới tuổi thọ răng sứ. Nếu bị sâu răng hay vỡ mẻ răng, bạn nên chọn răng toàn sứ để đảm bảo độ bền chắc, có tuổi thọ lên tới 20 năm và duy trì tính thẩm mỹ cao.
4.2 Chọn bác sĩ có kỹ thuật phục hình sứ tốt
Răng sứ tồn tại được bao lâu còn phụ thuộc vào kỹ thuật phục hình của của bác sĩ. Bác sĩ có tay nghề tốt, kinh nghiệm dày dặn sẽ mài răng với tỷ lệ thích hợp để không làm ảnh hưởng tới tủy răng, không gây hở chân răng,…
4.3 Chữa dứt điểm các bệnh lý răng miệng trước khi bọc răng sứ
Trước khi bọc răng sứ, bạn nên đi khám bác sĩ nha khoa để đánh giá tình trạng răng hiện tại. Nếu đang mắc các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, viêm tủy,… thì bệnh nhân cần điều trị dứt điểm rồi mới bọc răng sứ. Điều này đảm bảo rằng sau khi bọc sứ răng vẫn chắc khỏe, có thể ăn nhai bền lâu.
4.4 Vệ sinh răng miệng đúng theo hướng dẫn
Việc chăm sóc răng sứ sau khi bọc sứ rất quan trọng để tăng tuổi thọ của răng, phòng ngừa những biến chứng nếu có. Bạn cần lưu ý:
- Không sử dụng nhiều thức ăn quá dai hoặc cứng vì nó có thể làm giảm độ bền của răng, thậm chí gây nứt vỡ răng;
- Bổ sung những dưỡng chất tốt cho răng như canxi, vitamin, khoáng chất,… có trong rau củ, trứng, cá, sữa,…;
- Không nghiến răng, cắn chặt răng, cắn móng tay,…;
- Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra chất lượng răng sứ, kịp thời phát hiện những vấn đề răng miệng bất thường;
- Cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần, đánh răng 2 lần/ngày, kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch răng.
Bọc răng sứ được bao lâu phụ thuộc vào loại mão sứ người bệnh lựa chọn, tình trạng răng của bệnh nhân, tay nghề bác sĩ và thói quen chăm sóc răng miệng. Để đảm bảo tuổi thọ cao nhất của răng sứ, người bệnh nên tuân thủ mọi chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình chăm sóc răng và tái khám đúng lịch hẹn. Đồng thời, khi gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào, người bệnh cũng nên báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, đảm bảo độ bền của răng sứ.